QUY ĐỊNH VỀ CHỦ NGUỒN THẢI CHẤT THẢI NGUY HẠI

Để xác định chủ nguồn thải chất thải nguy hại cần dựa trên quyền sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải và các yếu tố, đặc tính của chất thải để xác định đó là chất thải nguy hại. Việc phân định, phân loại chất thải nguy hại phải thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại. Chủ nguồn thải không phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Chủ nguồn thải được tự xử lý chất thải nguy hại nhưng phải đáp ứng các điều kiện tại Khoản 2 Điều 70 Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt thấp nhất là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; cao nhất là từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng.

Chủ nguồn thải chất thải nguy hại là gì? Quy định pháp luật hiện nay về chủ nguồn thải chất thải nguy hiểm? NPLaw trả lời câu hỏi này trong bài viết dưới đây:

I. Việc xác định chủ nguồn thải chất thải nguy hại dựa trên căn cứ gì?

Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, chủ nguồn thải được định nghĩa như sau: “1. Chủ nguồn thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải.”

Khoản 20 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2020, chất thải nguy hại là: “20. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.”

Như vậy, để xác định ai là chủ nguồn thải chất thải nguy hại cần dựa trên việc xác định: 

  • Quyền sở hữu hoặc quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải; và 
  • Các yếu tố, đặc tính của chất thải có phải chất thải nguy hại hay không.

Việc xác định chủ nguồn thải chất thải nguy hại dựa trên căn cứ gì?

II. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Theo khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại gồm:

  • Khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường;
  • Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;
  • Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.

Ngoài ra, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại cũng được nêu tại Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

III. Phân loại chất thải nguy hại của chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Điều 68 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về phân định, phân loại chất thải nguy hại như sau:

“1. Việc phân định chất thải nguy hại được thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại.

2. Các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đối với các mã chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.

3. Nước thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở phát sinh thì được quản lý theo quy định về quản lý nước thải.

4. Chất thải nguy hại phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc khi chuyển đi xử lý trong trường hợp không lưu giữ.”

Vậy, việc phân định, phân loại chất thải nguy hại phải thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại.

IV. Trường hợp nào chủ nguồn thải chất thải nguy hại được tự xử lý chất thải nguy hại

Khoản 2 Điều 70 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về xử lý chất thải nguy hại như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải nguy hại được tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;

b) Phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch có liên quan.”

Vậy, chủ nguồn thải muốn tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở phải đáp ứng 03 điều kiện nêu trên.

Trường hợp nào chủ nguồn thải chất thải nguy hại được tự xử lý chất thải nguy hại

V. Quy định về vận chuyển chất thải nguy hại của chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Theo khoản 1 Điều 69 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì việc vận chuyển chất thải nguy hại được thực hiện như sau:

“a) Thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thu gom sản phẩm, bao bì phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, văn phòng cơ quan nhà nước, trường học, nơi công cộng thuộc danh mục sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này và danh mục chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành để thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định tại Mục 1 Chương VI Nghị định này không phải có giấy phép môi trường có nội dung xử lý chất thải nguy hại nhưng phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Điều 71 Nghị định này”.

Các chủ thể được phép vận chuyển chất thải nguy hại theo khoản 4 Điều 83 nêu trên gồm: 

  • Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp quy định; 
  • Cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển. 

VI. Một số câu hỏi thường gặp về chủ nguồn thải chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có được tự xử lý chất thải nguy hại không?

Theo Khoản 2 Điều 70 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về về xử lý chất thải nguy hại:

“2. Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải nguy hại được tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;

b) Phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch có liên quan.”

Vậy, chủ nguồn thải chất thải nguy hại được tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải khi có đủ điều kiện nêu trên.

2. Chủ nguồn thải có phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hay không?

Theo khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (hướng dẫn bởi khoản 7 Điều 35 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT) về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Theo đó, không có quy định chủ nguồn thải phải lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

3. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có cần phải thu hồi năng lượng từ chất thải theo quy định hay không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 72 Luật bảo vệ môi trường 2020, yêu cầu về quản lý chất thải như sau:

“b) Chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý;”

Vậy, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải thu hồi năng lượng từ chất thải.

4. Từ 25/8/2022, chủ nguồn thải chất thải nguy hại vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Điều 29 Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/8/2022, chủ nguồn thải chất thải nguy hại vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt thấp nhất là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; cao nhất là từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng.

5. Chuyển giao chất thải nguy hại giữa chủ nguồn chất thải nguy hại và bên xử lý chất thải nguy hại cần những giấy tờ gì?

Theo khoản 4 Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (hướng dẫn bởi khoản 7 Điều 35 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT) về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại:

“4. Phối hợp với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại để lập chứng từ chất thải nguy hại khi chuyển giao chất thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường …”

Chứng từ chất thải nguy hại được quy định theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

V. Luật sư tư vấn về chủ nguồn thải chất thải nguy hại

NPLaw với đội ngũ luật sư, chuyên viên giàu kinh nghiệm, cung cấp các dịch vụ về chủ nguồn thải chất thải nguy hiểm như sau:

  • Tư vấn, giải đáp thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến chủ nguồn thải chất thải nguy hại;
  • Hỗ trợ thủ tục xin các giấy phép liên quan đến chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan