Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, việc nhập khẩu phụ tùng ô tô vào Việt Nam không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp tuân thủ các quy định quốc tế mà còn phải nắm vững các quy định pháp luật nội địa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản về quy định nhập khẩu phụ tùng ô tô hiện hành.
Nhập khẩu phụ tùng ô tô vào Việt Nam hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, đồng thời góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Việc nhập khẩu này giúp đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng trong tiếp cận các linh kiện chất lượng cao từ nhiều nhà sản xuất quốc tế; cải thiện hiệu suất và độ an toàn của các phương tiện qua áp dụng các công nghệ tiên tiến từ các quốc gia khác trên thế giới. Hiện nay, để nhập khẩu phụ tùng ô tô, doanh nghiệp nhập khẩu cần đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu, giấy phép, thuế và phí để đảm bảo quá trình nhập khẩu diễn ra hợp pháp.
Trong những năm gần đây, việc nhập khẩu, đưa các thiết bị, linh kiện từ các quốc gia có công nghệ ô tô phát triển về Việt Nam để sửa chữa, bảo dưỡng hoặc nâng cấp xe diễn ra rất phổ biến. Nhập khẩu phụ tùng ô tô nói chung là quá trình đưa các bộ phận, linh kiện, hoặc phụ tùng dùng cho ô tô từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các hoạt động thương mại quốc tế. Quá trình này bao gồm việc mua sắm, vận chuyển, và đưa các sản phẩm qua các cửa khẩu hoặc cảng biển để đưa vào thị trường nội địa.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp có thể thực hiện nhập khẩu phụ tùng ô tô theo quy định nhưng cần lưu ý đáp ứng một số nội dung như sau:
-Doanh nghiệp nhập khẩu phải có đăng ký kinh doanh hợp pháp.
-Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
-Phải có chứng nhận hoặc công bố hợp quy đối với những phụ tùng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-BGTVT.
-Phụ tùng nhập khẩu không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
-Thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục hải quan và thuế quan theo quy định.
Để nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, cần thực hiện thủ tục hải quan theo Điều 21 Luật hải quan 2014 như sau:
-Bước 1: Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định.
-Bước 2: Đưa hàng hóa, phụ tùng ô tô đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế.
-Bước 3: Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.
-Bước 4: Thông quan hàng hóa và vận chuyển về kho.
Như vậy, để nhập khẩu phụ tùng ô tô cần thực hiện các bước theo thủ tục hải quan trước khi đưa vào sử dụng.
Mục 9, Chương II, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Theo đó, một số vật tư, phương tiện đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu như:
-Máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe bốn bánh có gắn động cơ.
-Khung gầm của ô tô, máy kéo có gắn động cơ (kể cả khung gầm mới có gắn động cơ đã qua sử dụng, khung gầm đã qua sử dụng có gắn động cơ mới)
...
Như vậy, khi doanh nghiệp nhập khẩu phụ tùng ô tô, đặc biệt đối với phụ tùng đã qua sử dụng thì cần lưu ý nếu các phụ tùng nhập khẩu đó thuộc trường hợp cấm nhập khẩu thì không được phép nhập khẩu theo quy định.
Theo Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, phụ tùng ô tô không thuộc trường hợp được miễn thuế nhập khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp nhập khẩu phụ tùng ô tô hiện nay được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi theo Điều 9 Nghị định 26/2023/NĐ-CP khi doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
“Điều 9. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 (gọi tắt là Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô)
2. Đối tượng áp dụng
a) Các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.
b) Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô”.
Như vậy, việc nhập khẩu phụ tùng ô tô không được miễn thuế nhập khẩu nhưng có thể được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi khi đáp ứng các điều kiện nhất định theo Điều 9 Nghị định 26/2023/NĐ-CP nêu trên.
Theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 100.000.000 đồng. Trong trường hợp nghiêm trọng, hành vi nhập khẩu lậu phụ tùng ô tô có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 188 về tội buôn lậu.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, việc nhập khẩu lậu phụ tùng ô tô có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định nhập khẩu phụ tùng ô tô hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn và hỗ trợ.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn