Ngày 22/08/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/ QĐ – TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Điều này cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ phải đồng bộ ở tất cả các khâu: Sáng tạo, xác lập quyền, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, việc chống lại các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn đề ngày càng “nóng”, mang tính thời sự tại Việt Nam.
Thực trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử (thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo).
Hiện nay tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ thông qua mạng xã hội ngày càng nhiều, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể kiểm soát được các vấn đề đó nếu hiểu về sở hữu trí tuệ.
Vi phạm trên internet là “không có biên giới, không có rào cản địa lý”. Hơn nữa, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó cho các cơ quan thực thi trong việc phát hiện và xử lý.
Các hành vi vi phạm xảy ra chủ yếu trong các lĩnh vực: Xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; sản xuất, mua bán hàng giả; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong tên doanh nghiệp, tên thương mại; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm; hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên internet.
Ví dụ về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
NPLaw xin phép nêu một vài ví dụ thực tế về những trường hợp xâm phạm như sau:
Ví dụ 1:
Năm 2021, Cục quản lý thị trường và Công an tỉnh Nam Định đã bắt giữ được một số lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel,… ở một kho hàng tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khau như The Queen Shop, Trang Anna (The Queen), Dung Vũ (Boss The Queen), The Queen – Chuyên túi VIP, Dương Vũ Xuân, The Queen – Đại Dương – Sỉ lẻ túi xách, Kho Túi xách – Hàng Quảng châu… được thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo và chặn tài khoản vì vi phạm.
Những hành vi xâm phạm sẽ bị pháp luật xử lý theo tủy mức độ vi phạm.
Theo ước tính, có tới 20.000 – 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây. Chủ yếu là túi xách nhái thương hiệu Hermès, LV, Chanel. Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỷ đồng.
Ví dụ 2:
Năm 2020, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Việt Nam bị phát hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “BIA SÀI GÒN” của Tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Kết quả trưng cầu giám định thể hiện Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Việt Nam đã xâm phạm 5 dấu hiệu trong nhãn hiệu đã được bảo hộ của SABECO.
Theo đó, pháp nhân thương mại là Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Việt Nam và người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Lê Đình Trung đã bị khởi tố và xét xử về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 226 Bộ luật hình sự.
Ví dụ 3:
Năm 2019, nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” đã sử dụng bản thu âm các ca khúc “Mãi mãi bên nhau”, “Taxi”, “Đường cong” mà không xin phép và không được sự đồng ý của các chủ sở hữu quyền liên quan bao gồm ca sĩ thể hiện và nhà sản xuất âm nhạc.
Sau đó, nhà sản xuất bộ phim đã phải công khai xin lỗi, chỉnh sửa bản phim và bồi thường thiệt hại cho các chủ thể bị xâm phạm.
Ví dụ 4:
Năm 2018, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương đã khởi kiện Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam vì sản xuất, buôn bán các sản phẩm điện tử, điện lạnh mang nhãn hiệu “Asanzo” với hình dáng logo, mẫu mã giống với nhãn hiệu “Asano” mà Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương đang được bảo hộ.
Kết quả vụ việc: Bản án có hiệu lực pháp luật tuyên buộc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam phải bồi thường cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương 100 triệu đồng, phải xóa bỏ nhãn hiệu trên sản phẩm, đồng thời phải xin lỗi, cải chính công khai trên 3 số liên tiếp trên Báo Thanh niên.
Thế nào là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Căn cứ xác định hành vi vi phạm
Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là các hành vi được quy định cụ thể tại các Điều 28, Điều 35, Điều 126, Điều 127, Điều 129, Điều 130 và Điều 188 của Luật Sở hữu trí tuệ. Các hành vi này được xem là vi phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Cơ quan xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ
Theo quy định tại Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
- Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự, hình sự để xử lý hành vi vi phạm.
- Cơ quan hải quan áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền.
Các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hành vi vi phạm quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả bao gồm:
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
- Mạo danh tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Hành vi vi phạm các quyền liên quan
Theo quy định tại Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền liên quan bao gồm:
- Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
- Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
- Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
- Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.
Hành vi vi phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Theo quy định tại Điều 126 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
- Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu.
- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- 3.4. Hành vi vi phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
- Theo quy định tại Điều 127 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị coi là vi phạm đối với bí mật kinh doanh:
- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó.
- Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.
- Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh.
- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền.
- Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi vi phạm quyền đối với bí mật kinh doanh.
- Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh.
Hành vi vi phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là vi phạm quyền đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ thì mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý.
- Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó.
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 130 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ.
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
- Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.
- Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Chỉ dẫn thương mại là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa.
Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại bao gồm các hành vi: Gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hóa có gắn chỉ dẫn thương mại đó.
Hành vi vi phạm quyền đối với giống cây trồng
Theo quy định tại Điều 188 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng:
- Khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ.
- Sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ.
- Sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động quảng cáo không được đảm bảo dễ dẫn đến các tranh chấp, hoạt động quảng cáo bị gián đoạn, mục đích xúc tiến thương mại không đạt được. Do đó, trước khi thực hiện các hoạt động quảng cáo, doanh nghiệp và các chủ thể thực hiện quảng cáo cần kiểm tra, rà soát để đảm bảo các sản phẩm quảng cáo không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Facebook
Hiện tại, Facebook là trang mạng xã hội có đông đảo người dùng trên thế giới. Nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Facebook đã xây dựng một cơ chế để xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan và nhãn hiệu.
Kiểm soát các vấn đề vi phạm, nhờ sự can thiệp của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho các sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình.
Theo đó, khi có nghi ngờ rằng quyền tác giả, quyền liên quan hoặc nhãn hiệu của mình bị xâm phạm, Facebook khuyến khích người dùng trước hết nên giải quyết bằng cách liên hệ trực tiếp với chủ thể có hành vi vi phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại (nếu có). Nếu bên vi phạm không chấm dứt hành vi xâm phạm thì bên bị vi phạm có thể sử dụng cơ chế khiếu nại bản quyền hoặc khiếu nại nhãn hiệu của Facebook để gỡ các bài viết, hình ảnh, video có chứa nội dung vi phạm.
Trường hợp bên bị khiếu nại bản quyền hoặc nhãn hiệu có tài liệu chứng minh quyền sở hữu trí tuệ thuộc về mình thì bên đó có thể gửi kháng nghị về nội dung bị khiếu nại cho Facebook. Trường hợp nội dung kháng nghị có cơ sở, Facebook sẽ gửi thông báo cho người khiếu nại. Nếu người khiếu nại không có thông báo là họ đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình thì Facebook sẽ khôi phục hoặc ngừng vô hiệu hóa bài viết, hình ảnh, video đã bị khiếu nại.
Nhìn chung, chính sách khiếu nại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Facebook đã góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng Facebook.
Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Biện pháp, cách xử lý
Có 04 biện pháp, cách thức xử lý đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm:
- Chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tự thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình gồm: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
- Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện. Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.
- Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong trường hợp xử lý vi phạm bằng biện pháp dân sự
Ngoài nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nguyên đơn và bị đơn trong vụ án xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có nghĩa vụ chứng minh như sau:
a) Nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ sau đây:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.
- Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng.
- Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.
b) Nguyên đơn phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
c) Trong vụ kiện về xâm phạm quyền đối với sáng chế là một quy trình sản xuất sản phẩm, bị đơn phải chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình được bảo hộ trong các trường hợp sau đây:
- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ là sản phẩm mới;
- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ không phải là sản phẩm mới nhưng chủ sở hữu sáng chế cho rằng sản phẩm do bị đơn sản xuất là theo quy trình được bảo hộ và mặc dù đã sử dụng các biện pháp thích hợp nhưng vẫn không thể xác định được quy trình do bị đơn sử dụng.
d) Trong trường hợp một bên trong vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chứng minh được chứng cứ thích hợp để chứng minh cho yêu cầu của mình bị bên kia kiểm soát do đó không thể tiếp cận được thì có quyền yên cầu Tòa án buộc bên kiểm soát chứng cứ phải đưa ra chứng cứ đó.
đ) Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại.
Xác định thiệt hại
Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra bao gồm:
- Thiệt hại về vật chất: Bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại về tinh thần: Bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng. Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần tối đa không quá 50 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.
- Ngoài ra, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.
Trên đây là những chia sẻ của NPLaw về các nội dung liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất các thủ tục liên quan đến đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ NPLaw ngay ddeer dudowc.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn