Vàng là trang sức, loại tài sản có tính thanh khoản cao và được mọi người ưa chuộng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu vàng hợp pháp, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Vàng được lưu trữ dưới nhiều dạng, ví dụ như vàng miếng. Vàng miếng không được chế tác cầu kì như trang sức nên thường được dùng làm của cải tích trữ.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thủ tướng Chính phủ ban hành có định nghĩa “Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”.
Theo đó, chỉ các tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh là đối tượng được phép kinh doanh vàng miếng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh.
Theo quy định, đối tượng được phép kinh doanh vàng miếng gồm có doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh giữa hai chủ thể đó cũng có sự khác nhau. Cụ thể:
* Đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 05 điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
- Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
* Đối với tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng phải đáp ứng 03 điều kiện sau:
a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
* Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với doanh nghiệp:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với doanh nghiệp bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng
- Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh);
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và văn bản thể hiện địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo danh sách tại điểm b khoản này đã được đăng ký kinh doanh hoặc đã được thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 (hai) năm liền kề trước đó.
* Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với tổ chức tín dụng:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với tổ chức tín dụng như sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
- Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch);
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và văn bản thể hiện địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo danh sách tại điểm b khoản này đã được đăng ký kinh doanh hoặc đã được thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Phần II Nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngân hàng nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-NHNN năm 2023 về Về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hoạt động ngoại hối thực hiện tại bộ phận một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngân hàng nhà nước việt nam như sau:
* Trình tự thực hiện đối với doanh nghiệp:
+ Bước 1: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
+ Bước 2: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn kiểm tra về giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm kinh doanh và tình hình trang thiết bị cần thiết để triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng.
+ Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối).
+ Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
* Trình tự thực hiện đối với tổ chức tín dụng:
+ Bước 1: Tổ chức tín dụng nộp hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
+ Bước 2: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn kiểm tra về tình hình trang thiết bị cần thiết để triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng.
+ Bước 3: Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối).
+ Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Căn cứ quy định tại Phần II Thủ tục ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-NHNN năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Chính vì thế, cả doanh nghiệp lẫn tổ chức tín dụng khi có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng miếng đều nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể là Vụ Quản lý ngoại hối.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ được thực hiện theo 02 hình thức là:
+ Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính (Bộ phận Một cửa).
+ Qua dịch vụ bưu chính.
Chính vì vậy, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng không được nộp online.
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng không mất phí, lệ phí.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng bị xử phạt như sau:
Phạt cảnh cáo đối với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Theo đó, mua bán vàng miếng trái phép với tổ chức không có Giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt cảnh cáo, nếu tái phạm nhiều lần thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng như chúng tôi đã trình bày trong phần IV ở trên. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.
Giấy phép kinh doanh là bắt buộc đối với các chủ thể kinh doanh mua, bán vàng miếng. Quý khách hàng có thể liên lạc với NP Law chúng tôi để được hỗ trợ các dịch vụ pháp luật cho hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về thủ tục cấp Giấy phép kinh mua, bán vàng miếng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho quý khách hàng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ NP Law để được tư vấn đầy đủ, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn