TÌM HIỂU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM ÂM NHẠC

Bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc - vấn đề rất quan trọng hiện nay, bởi sự ra đời và phát triển của hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm âm nhạc, dẫn đến rủi ro bị xâm phạm quyền lợi khi chủ thể có quyền không đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc cũng rất lớn. Do đó, việc tìm hiểu và nắm vững thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là điều cần thiết đối với các tác giả cũng như các chủ thể có quyền khác của tác phẩm âm nhạc. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ đồng hành cùng Quý độc giả tìm hiểu các quy định pháp luật về đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.

I. Thực trạng đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc hiện nay

Xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc hiện nay diễn ra ngang nhiên ở nhiều hình thức, với sự tham gia của nhiều đối tượng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể liên quan. Điều này không chỉ xuất phát từ sự cố tình của bên xâm phạm mà ít nhiều nằm ở sự vô ý của chủ thể có quyền. Họ có thể không biết, không quan tâm đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của mình. Theo thống kế của bộ phận pháp chế tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thì số lượng các vụ xâm phạm bản quyền hay quyền tác giả đang có xu hướng gia tăng.

II. Tìm hiểu về đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

1. Tác phẩm âm nhạc là gì?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 về “Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả”, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ thì “4. Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

Như vậy, có thể hiểu rằng, tác phẩm âm nhạc không nhất định phải thể hiện ở dạng hữu hình là các nốt, các ký tự âm nhạc mà còn có thể được thể hiện ở dạng âm thanh, và không bắt buộc phải được trình diễn.

2. Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là gì?

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là một dạng quyền tác giả nói chung, được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung các năm 2009, 2019, 2022 (Sau đây gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung”) như sau: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung.

Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm âm nhạc do mình sáng tác hoặc sở hữu, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm âm nhạc đó.

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là gì?

III. Quy định pháp luật về đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

1. Chủ thể được đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Về nguyên tắc, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo mà không phụ thuộc vào việc đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tuy nhiên, pháp luật luôn khuyến khích người dân tiến hành đăng ký bản quyền tác giả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 về “Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung, chủ thể được đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là các chủ thể được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm: 

“1. Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.”

Như vậy, chủ thể được đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Cụ thể hơn, đó có thể là tổ chức, cá nhân trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc hoặc là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc theo quy định pháp luật.

2. Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 về “Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung, hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc bao gồm:

“2. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;

d) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

3. Tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.”

Như vậy, để đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, chủ thể có quyền cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, hồ sơ đăng ký theo quy định pháp luật.

3. Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định về “Thủ tục cấp, cấp lại và cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan”, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc gồm các bước cơ bản như sau:

Bước 01: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký theo quy định đúng quy định pháp luật đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

Bước 02: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.

Bước 03: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả; 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, gửi trả lại cho tổ chức, cá nhân được cấp như một tài liệu đính kèm không tách rời Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Như vậy, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc đã được pháp luật ghi nhận cụ thể với các bước như trên.

4. Nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ nội dung Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung, nội dung quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền nhân thân trong quyền tác giả bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tài sản trong quyền tác giả, bao gồm: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm; Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào mà pháp luật cho phép; Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình dưới hình thức pháp luật cho phép; Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.

Như vậy, nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản được pháp luật quy định cụ thể.

Nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

IV. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

1. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong bao lâu?

Căn cứ quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, đã sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:

“1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) … tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên;…; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.”

Như vậy, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được xác định riêng đối với quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó, quyền tài sản của quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 51 về “Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, đã sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền cấp bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là: “1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan”.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định như sau: 

“2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan, có nhiệm vụ và quyền hạn sau: …

i. Cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;”.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là Cục Bản quyền tác giả.

3. Như thế nào được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc?

Hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc có thể hiểu đơn giản là các hành vi không phù hợp quy định pháp luật, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ thể được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, được quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung.

Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung liệt kê các hành vi xâm phạm quyền tác sản như sau:

“1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.

2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.

4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.

5. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.

6. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

7. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này”.

Như vậy, hành vi xâm phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc có thể hiểu là hành vi chiếm đoạt, sao chép, mạo danh tác giả, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào mà không có sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu.

Như thế nào được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc?

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

Để tìm hiểu thêm các thông tin pháp lý liên quan đến đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng. NPLaw với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục pháp lý nói chung và đăng ký quyền tác giả nói riêng, Công ty chúng tôi sẽ đồng hành cùng Quý Khách hàng đạt những kết quả tốt nhất.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan