Công nhận hạng mục cơ sở lưu trú du lịch là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Vậy công nhận hạng mục cơ sở lưu trú du lịch là gì? Pháp luật quy định như thế nào. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua bài viết sau:
Công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch là quá trình đánh giá và xếp loại các cơ sở lưu trú dựa trên một loạt các tiêu chuẩn đã được thiết lập.
Việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có một số mục đích quan trọng như sau:
- Phân hạng cơ sở lưu trú giúp đảm bảo rằng các cơ sở này đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng, an toàn, và dịch vụ. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm của khách du lịch và tạo niềm tin cho họ khi lựa chọn nơi ở.
- Việc phân hạng cho phép khách hàng dễ dàng so sánh giữa các cơ sở lưu trú khác nhau dựa trên các tiêu chuẩn đã được xác định rõ ràng.
- Hệ thống phân hạng khuyến khích cơ sở lưu trú không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ và tiện ích để duy trì hoặc nâng cao hạng của mình, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành công nghiệp du lịch.
- Các hạng sao hoặc điểm được công nhận có thể được sử dụng trong marketing để thu hút khách hàng. Cơ sở có hạng cao thường được coi là có dịch vụ tốt và sang trọng, trong khi những cơ sở có hạng thấp hơn có thể thu hút khách hàng tìm kiếm giá cả phải chăng.
- Việc phân loại giúp các cơ quan quản lý du lịch hiểu rõ về nguồn cung của ngành và theo dõi tiến triển của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch hiệu quả.
Nhìn chung, việc công nhận hạng cho các cơ sở lưu trú không chỉ mang lại ích cho người tiêu dùng mà còn góp phần vào việc tổ chức và phát triển ngành công nghiệp du lịch theo chiều hướng tích cực và bền vững.
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, các loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định pháp luật hiện nay là:
- Khách sạn: Cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.
a) Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
b) Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài; c) Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
d) Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch. -
- Biệt thự du lịch: Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
- Căn hộ du lịch: Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
- Tàu thủy lưu trú du lịch: Phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
- Nhà nghỉ du lịch: Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.
- Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.
- Bãi cắm trại du lịch: Khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.
Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch 2017, điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch là:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Du lịch 2017, hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
- Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
- Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch 2017, thẩm quyền thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch quy định như sau:
- Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao;
- Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao.
Một số quy định khác:
- Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thời hạn 05 năm. Sau khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nhu cầu đăng ký xếp hạng lại cơ sở lưu trú du lịch.
- Phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được gắn ở khu vực cửa chính của cơ sở lưu trú du lịch...
Theo quy định tại khoản 7 Điều 50 Luật Du lịch 2017, Phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Cụ thể, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 34/2018/TT-BTC, lệ phí nhà nước về công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch dao động từ 1.500.000 đồng đến 3.500.000 đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Du lịch 2017, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 50 Luật Du lịch 2017, pháp luật quy định khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Vì vậy, không bắt buộc tất cả các cơ sở lưu trú phải công nhận hạng.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 50 Luật Du lịch 2017, phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn, chủ thể có yêu cầu cần phải đóng phí thẩm định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 3 Điều 12 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, tổ chức không gắn biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được xếp hạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 4, khoản 6 Điều 12 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, người kê khai không trung thực hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Đồng thời quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch cũng sẽ bị buộc thu hồi.
Theo quy định tại Điều 52 Luật Du lịch 2017, biệt thự du lịch khi thay đổi chất lượng mà không duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công nhận thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú sẽ tiến hành thu hồi quyết định công nhận hạng. Tuy nhiên, đối với trường hợp những thay đổi trên là về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ thì tổ chức, cá nhân có sơ sở lưu trú du lịch bị thu hồi có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định lại để công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Trên đây là những thông tin xoay quanh về công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn