Dịch vụ cho thuê phần mềm là gì? Dịch vụ cho thuê phần mềm có phải chịu thuế GTGT hay không?

Dịch vụ cho thuê phần mềm được dự báo sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam. Để hiểu hơn về loại hình dịch vụ này, NPLaw đã tổng hợp một số thông tin liên quan đến dịch vụ cho thuê phần mềm trong bài viết dưới đây.

I. Dịch vụ cho thuê phần mềm là gì?

Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định về dịch vụ phần mềm như sau:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ

10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm."

- Mã ngành dịch vụ cho thuê phần mềm

Mã ngành 6311 là mã ngành dịch vụ cho thuê phần mềm căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về ngành nghề kinh doanh, dịch vụ này bao gồm các hoạt động chi tiết như sau:

+  Xử lý dữ liệu hoàn chỉnh cho khách hàng như: nhập tin, làm sạch dữ liệu, tổng hợp dữ liệu, tạo báo cáo, …. từ dữ liệu do khách hàng cung cấp.

+ Hoạt động cung cấp và cho thuê hạ tầng thông tin như: cho thuê tên miền internet, cho thuê trang Web….

+ Các hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan khác như: chia sẻ thời gian thực cho các thiết bị công nghệ thông tin (máy chủ, máy tính cá nhân, thiết bị di động,..) cho khách hàng.

- Sự cần thiết của dịch vụ cho thuê phần mềm

Với phương thức “mua đứt bán đoạn” phần mềm, các tổ chức, doanh nghiệp phải bỏ một khoản tiền đầu tư ban đầu rất lớn, bao gồm: Chi phí mua phần mềm, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí hỗ trợ, duy trì phần mềm trong khi sản phẩm đó có thể chưa đáp ứng được hết yêu cầu và mong muốn của người sử dụng. Việc này có thể dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan phải bỏ tiền đầu tư một sản phẩm mới trong khi sản phẩm cũ chưa khấu hao hết, hoặc khi muốn cải tiến sản phẩm để phù hợp với thị trường thì lại phải bỏ ra thêm một khoản chi phí mới. Mặt khác, đã có không ít trường hợp sau khi chi tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng mà hệ thống phần mềm vẫn không thể hoàn tất hoặc không được đưa vào sử dụng hiệu quả, gây lãng phí đầu tư.

Còn với phương thức thuê phần mềm, đơn vị sử dụng có thể tiết kiệm tối đa những chi phí đầu tư ban đầu về cài đặt, bảo trì, nâng cấp phần mềm do phía nhà cung cấp dịch vụ “gánh” khoản chi phí này; đồng thời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuê dịch vụ phần mềm còn luôn được cập nhật phiên bản và tiện ích mới nhất mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào. Bên thuê có thể thay đổi bên cho thuê vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thuê để bảo đảm rằng mình được sử dụng phần mềm tốt nhất trong số các phần mềm cùng loại được cung cấp trên thị trường. Chi phí sử dụng phần mềm được trả trong nhiều năm, dùng bao nhiêu tài nguyên thì trả phí bấy nhiêu. Nhìn chung, hình thức “mua đứt bán đoạn” phù hợp với mảng thiết bị và những sản phẩm hữu hình, còn đối với phần mềm là một sản phẩm vô hình thì áp dụng theo hướng cho thuê dịch vụ sẽ hợp lý và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người sử dụng hơn.

- Lợi ích của việc sử dụng dịch vụ cho thuê phần mềm

  • Chi phí đầu tư ban đầu thấp;
  • Không mất phí bảo trì;
  • Không bị lỗi thời;
  • Có thể dừng lại khi hết nhu cầu sử dụng;
  • Có thể thay đổi nhu cầu sử dụng linh hoạt theo tính năng và theo số lượng người dùng.

II. Các đối tượng được kinh doanh dịch vụ cho thuê phần mềm

Căn cứ quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh dịch vụ cho thuê phần mềm không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng được quyền thành lập doanh nghiệp và kinh doanh dịch vụ cho thuê phần mềm.

III. Quy định về dịch vụ cho thuê phần mềm

Dịch vụ cho thuê phần mềm được quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định về dịch vụ phần mềm như sau:

10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm."

Ngoài ra còn có khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC và Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về việc chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ cho thuê phần mềm.

IV. Giải đáp các thắc mắc thường gặp về dịch vụ cho thuê phần mềm

- Dịch vụ cho thuê phần mềm có phải chịu thuế GTGT hay không?

Căn cứ khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:

Đối tượng không chịu thuế GTGT

...

21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.

...

Theo quy định trên thì đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là dịch vụ phần mềm. Nhưng dịch vụ phần mềm không bao gồm dịch vụ cho thuê phần mềm. Do đó, dịch vụ cho thuê phần mềm vẫn sẽ chịu thuế giá trị gia tăng 10% theo Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Mặc dù hiện nay có chính sách giảm thuế GTGT xuống 8% cho hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 10% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, hoạt động cho thuê phần mềm thuộc danh mục không được giảm thuế tại Phụ lục III Nghị định 15/2022/NĐ-CP (6311013 - Dịch vụ cung cấp các ứng dụng) nên vẫn áp dụng thuế giá trị gia tăng 10%.

- Dịch vụ cho thuê phần mềm có chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Căn cứ Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định:

“1. Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn mười lăm năm (15 năm) áp dụng đối với:

a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại: địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.”

Theo quy định trên, thu nhập được hưởng ưu đãi về thuế là thu nhập từ hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, còn dịch vụ cho thuê phần mềm không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do đó, dịch vụ này sẽ chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường là 20% theo Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

- Dịch vụ cho thuê phần mềm có phải là hoạt động công nghiệp phần mềm không?

Căn cứ Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin về hoạt động công nghiệp phần mềm như sau:

“Hoạt động công nghiệp phần mềm

...

2. Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm:

a) Phần mềm hệ thống;

b) Phần mềm ứng dụng;

c) Phần mềm tiện ích;

d) Phần mềm công cụ,

đ) Các phần mềm khác.

3. Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:

a) Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;

b) Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;

e) Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;

d) Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;

đ) Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;

e) Dịch vụ tích hợp hệ thống;

g) Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;

h) Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;

i) Các dịch vụ phần mềm khác.”

Như vậy, dịch vụ cho thuê phần mềm không phải là hoạt động công nghiệp phần mềm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan