Dịch vụ tư vấn pháp lý khi bán hàng trên Facebook

Trong thời đại số hóa hiện nay, việc kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook đã trở thành một xu hướng phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, việc bán hàng trên Facebook cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý mà người bán cần phải chú ý. Các vấn đề như đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ thuế, bảo mật thông tin cá nhân, hay việc tuân thủ các quy định về quảng cáo và giao dịch thương mại điện tử đều là những yếu tố quan trọng cần lưu tâm. 

Bài viết này NPLAW sẽ làm rõ những quy định pháp luật có liên quan khi bán hàng trên Facebook.

I. Nhu cầu bán hàng trên Facebook hiện nay

Trong những năm gần đây, Facebook đã trở thành một trong những nền tảng kinh doanh phổ biến nhất, đặc biệt là tại Việt Nam. Nhu cầu bán hàng trên Facebook không ngừng gia tăng, bởi nền tảng này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bán, từ việc tiếp cận đối tượng khách hàng rộng lớn đến khả năng tương tác trực tiếp và dễ dàng quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Một trong những yếu tố quan trọng khiến việc bán hàng trên Facebook trở nên hấp dẫn là khả năng tiếp cận đối tượng khách hàng khổng lồ. Với hơn 70 triệu người dùng tại Việt Nam, Facebook cung cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp cơ hội kết nối với một lượng lớn khách hàng tiềm năng, không phân biệt khoảng cách địa lý. Thêm vào đó, các công cụ như Facebook Ads cho phép người bán dễ dàng quảng bá sản phẩm đến đúng đối tượng mục tiêu, tăng khả năng chuyển đổi và tối ưu hóa chi phí quảng cáo.

Ngoài ra, việc bán hàng trên Facebook còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mặt bằng, vận hành, đồng thời tạo điều kiện để người bán có thể tương tác trực tiếp với khách hàng, nhận phản hồi nhanh chóng và điều chỉnh chiến lược kịp thời. 

II. Quy định pháp luật về bán hàng trên Facebook

1. Bán hàng trên Facebook là gì

Facebook là một nền tảng mạng xã hội trực tuyến, nơi người dùng có thể tạo hồ sơ cá nhân, kết nối và tương tác với người khác thông qua việc chia sẻ thông tin, hình ảnh, video, và các nội dung khác. Facebook cũng cung cấp không gian để tham gia vào các cộng đồng, giao tiếp trực tiếp qua tin nhắn hoặc video, và thực hiện các hoạt động kinh doanh hoặc giải trí.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật và các văn bản liên quan không có quy định về bán hàng trên Facebook là gì? 

Tuy nhiên, có thể hiểu: Bán hàng trên Facebook là hoạt động kinh doanh, tiếp thị và giao dịch sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook.

2. Người bán hàng trên Facebook có phải kê khai thuế không? Nếu có, bao gồm những loại thuế nào?

Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (kinh doanh thông qua sàn, mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử khác) đều thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa. Tỷ lệ thuế GTGT là 1%, tỷ lệ thuế TNCN là 0,5% quy định tại Phụ luc I Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Hộ và cá nhân kinh doanh online có trách nhiệm đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế. Những chủ thể này có thể lựa chọn nộp thuế theo phương pháp khoán, kê khai, nộp thuế từng lần phát sinh.

Riêng hộ, cá nhân kinh doanh ủy quyền cho sàn thương mại điện tử thì chủ sàn có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay. Còn trường hợp cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức đó có trách nhiệm khai thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu, đồng thời khai và nộp thuế TNCN thay cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

3. Điều kiện để bán hàng trên Facebook là gì?

Điều kiện để bán hàng trên Facebook khá đơn giản nhưng cũng yêu cầu người bán phải tuân thủ một số quy định và chuẩn bị các yếu tố cần thiết để hoạt động kinh doanh hợp pháp và hiệu quả. 

  • Có tài khoản Facebook cá nhân.
  • Tạo Fanpage hoặc Cửa hàng Facebook (Facebook Shop).

  • Đảm bảo tính hợp pháp và tuân thủ các quy định: Facebook có các chính sách cộng đồng và các quy định riêng về bán hàng mà người bán cần tuân thủ, bao gồm việc không bán hàng hóa cấm, sản phẩm vi phạm bản quyền, hoặc các dịch vụ không hợp pháp.
  • Đăng ký kinh doanh: Nếu bán hàng dưới hình thức doanh nghiệp, cần đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật tại Việt Nam. 

III. Giải đáp một số câu hỏi về bán hàng trên Facebook

1. Loại hình kinh doanh phù hợp để bán hàng trên Facebook

Loại hình kinh doanh gồm có kinh doanh dịch vụ, kinh doanh bán lẻ, kinh doanh sản xuất. Trong đó:

  • Kinh doanh dịch vụ được hiểu là bán gói dịch vụ, ví dụ: spa, thẩm mỹ làm đẹp, sức khỏe, du lịch, tư vấn, ... 
  • Kinh doanh bán lẻ được hiểu như đưa hàng hóa từ nhà cung cấp, nhà sản xuất đến cho người tiêu dùng cuối cùng, ví dụ: hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm, đồ uống, ... 
  • Kinh doanh sản xuất được hiểu nhà sản xuất tiến hành sản xuất, phân phối cho các đại lý hoặc có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng ... ví dụ: sản phẩm thời trang, sản phẩm công nghệ (điện thoại, oto,...)

2. Cá nhân bán hàng trên Facebook có phải đăng ký kinh doanh không? Nếu có, mức doanh thu bao nhiêu thì cần đăng ký?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, trường hợp cá nhân bán hàng trên Facebook được xem là một cá nhân hoạt động thương mại độc lập, tự do. Nếu chỉ bán hàng trên Facebook mà không có địa điểm kinh doanh cố định như cửa hàng,... thì không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, trừ những mặt hàng pháp luật cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

3. Bán hàng trên Facebook có phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không?

Không. Hiện nay pháp luật không có quy định bán hàng trên Facebook có phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. 

4. Nếu khách hàng yêu cầu hóa đơn VAT, người bán có phải cung cấp không?

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Như vậy, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải xuất hóa đơn VAT để giao cho người mua.

5. Người bán có thể sử dụng hình ảnh, thông tin của bên thứ ba trên Facebook của mình không?

Không, người bán hàng trên Facebook không nên và thường không được phép sử dụng hình ảnh, thông tin của bên thứ ba mà không có sự cho phép của họ, nếu không bạn có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan về bí mật thông tin, quyền đối với hình ảnh.

6. Nếu quảng cáo sai sự thật trên Facebook, mức phạt là bao nhiêu?

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

7. Nếu bị lộ thông tin khách hàng do vi phạm bảo mật trên Facebook, người bán có chịu trách nhiệm không?

Theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định 24/2025/NĐ-CP, trường hợp không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, lưu trữ, sử dụng hoặc không có biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

8. Khi bán hàng trên Facebook, có bắt buộc phải cung cấp nhiều phương thức thanh toán không?

Hiện nay không có quy định bắt buộc vấn đề này. Mặc dù việc cung cấp nhiều phương thức thanh toán sẽ giúp tăng cường sự thuận tiện cho khách hàng và mở rộng cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, không nhất thiết phải cung cấp nhiều phương thức thanh toán nếu không muốn. Việc lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp còn phụ thuộc vào đặc điểm của sản phẩm, đối tượng khách hàng, và phương thức vận hành kinh doanh.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về bán hàng trên Facebook

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng liên quan đến bán hàng trên Facebook. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ Luật sư chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan