TRÁCH NHIỆM MUA BẢO HIỂM CHO KHÁCH DU LỊCH THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Nhu cầu giải trí, thư giãn của con người dần tăng cao, góp phần thúc đẩy nền du lịch phát triển.Trong quá trình di chuyển, đi chơi xa, không ai có thể lường trước được hết những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra với chính mình. Đó có thể là những rủi ro bên ngoài như rủi ro về hành lý tư trang, giấy tờ thông hành, … hay những rủi ro đối với cơ thể như ốm đau, tai nạn cá nhân,…Khi đó, việc mua/tham gia bảo hiểm cho khách du lịch sẽ góp phần hỗ trợ giảm bớt phần nào nỗi lo âu, giảm nhẹ được gánh nặng về tài chính để khắc phục những hậu quả của các rủi ro có thể phát sinh. Vậy bảo hiểm cho khách du lịch là gì? Ai có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm cho khách du lịch? NPLaw sẽ cùng Quý bạn đọc giải đáp các thắc mắc nhé.

I. Thực trạng việc mua bảo hiểm cho khách du lịch hiện nay.

Quy định pháp luật hiện hành buộc các công ty phải mua bảo hiểm cho du khách khi bán tour (nội địa và quốc tế). Thông thường, đối với các tour nước ngoài, với chặng ngắn doanh nghiệp lữ hành thường mua gói bảo hiểm có mức chi trả tử vong và thương tật cho du khách 10.000 - 20.000USD/người, chặng dài 30.000 - 50.000USD (tuyến châu Âu). Riêng tour trong nước, một số công ty chỉ mua mức bảo hiểm cho khách 10 - 20 triệu đồng/người. Mức chi trả bảo hiểm du lịch nêu trên có thể coi là khá thấp. Bởi lẽ, việc thực hiện mua bảo hiểm cho khách du lịch hiện nay chỉ nhằm thực hiện quy định pháp luật mà không hướng đến mục tiêu bảo vệ cuối cùng của bảo hiểm.

Đa phần khách Việt không quan tâm đến bảo hiểm mình mua thuộc công ty nào, những hạng mục trong bảo hiểm gồm có những gì. Việc mua bảo hiểm chủ yếu phục vụ yêu cầu pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp thường lựa chọn gói bảo hiểm có giá thành thấp, đồng nghĩa với lợi ích bảo hiểm không cao, nhằm giảm thiểu chi phí để có giá thành cạnh tranh trên thị trường.

II. Bảo hiểm cho khách du lịch là gì?

Bảo hiểm du lịch là loại hình bảo hiểm được sử dụng khi khách hàng (chủ thể thực hiện hoạt động du lịch, bao gồm du lịch quốc tế và du lịch nội địa) tham gia các chuyến du lịch ở trong hay ngoài nước. Loại hình bảo hiểm này dùng để chi trả cho cá nhân, người thân gia đình có quyền thừa hưởng những tổn thất phát sinh không mong muốn từ các sự cố xảy ra trong chuyến đi.

Thực trạng việc mua bảo hiểm cho khách du lịch hiện nay

III. Quy định của pháp luật liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch.

1. Đối tượng bảo hiểm.

Đối tượng bảo hiểm là những người chịu rủi ro trực tiếp và có quyền được bảo hiểm khi xảy ra các sự kiện khách quan đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Để làm rõ, đối tượng bảo hiểm là những cá nhân trực tiếp tham gia chuyến du lịch được mua bảo hiểm nêu trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Phạm vi bảo hiểm.

Tùy thuộc loại bảo hiểm du lịch được mua, mức độ phạm vi bảo hiểm du lịch khác nhau sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thông thường, bảo hiểm du lịch có phạm vi bảo hiểm bao gồm:

  • Chết, thương tật thân thể do tai nạn; 
  • Chết do ốm đau, bệnh tật bất ngờ trong thời hạn bảo hiểm; 
  • Chết hoặc thương tật thân thể do người được bảo hiểm có hành động cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân và tham gia chống các hành động phạm pháp;
  • Sự cố phương tiện vận chuyển (chậm trễ máy bay);
  • Thất lạc, mất mát hành lý du lịch;

3. Nghĩa vụ mua bảo  hiểm cho khách du lịch.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch 2017 thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có nghĩa vụ: “đ) Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch;”.

Nghĩa vụ mua bảo hiểm cho khách du lịch.

Như vậy, trừ trường hợp Khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có nghĩa vụ mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch, bao gồm cả việc du lịch trong nước (nội địa) và du lịch nước ngoài (quốc tế).

IV. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch.

1. Hợp đồng lữ hành có bắt buộc phải quy định về bảo hiểm cho khách du lịch không?

Căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 39 Luật Du lịch 2017 quy định về hợp đồng lữ hành như sau:

“3. Hợp đồng lữ hành phải có các nội dung sau đây:

đ) Điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch”.

Theo đó, quy định về bảo hiểm cho khách du lịch là một trong các nội dung bắt buộc của Hợp đồng lữ hành.

2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có bắt buộc mua bảo hiểm cho khách du lịch hay không?

Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch 2017 quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa thì:

“1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ sau đây:

đ) Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch; ...”

Theo quy định nêu trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bắt buộc mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.

3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch thì bị xử phạt thế nào?

Căn cứ nội dung quy định điểm a khoản 9, điểm d khoản 15 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành ghi nhận như sau:

“9. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định; ...

15. Hình thức xử phạt bổ sung:

d) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 9 Điều này; ...”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

“2. … Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức”.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời doanh nghiệp vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm.

4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành ký kết hợp đồng lữ hành nhưng không có điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:

“Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch là 01 năm.”

Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành ký kết hợp đồng lữ hành nhưng không có điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch là 01 năm.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch.

Trên đây là nội dung tư vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) về bảo hiểm cho khách du lịch theo pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được đội ngũ Luật sư của chúng tôi tư vấn tận tình và nhanh chóng. 

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú 

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan