Với nhu cầu lao động ngày càng cao từ thị trường lao động, nhiều doanh nghiệp đã đưa người lao động của mình sang nước ngoài để đào tạo nghề. Do đó, các bên cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, tránh xảy ra rủi ro trong quá trình đưa người lao động ra nước ngoài đào tạo, đặc biệt cần tìm hiểu mẫu hợp đồng đào tạo nước ngoài trước khi đi làm việc ở nước ngoài và trước khi thực hiện ký kết. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hợp đồng đào tạo nước ngoài.
Trước tiên có thể hiểu hợp đồng đào tạo là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Tại khoản 1 Điều 38 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định như sau: “Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp Việt Nam với người lao động của mình về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.”
Thực tế trong doanh nghiệp khi cử nhân sự đi đào tạo ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ cho nhân sự công ty thì các công ty thường yêu cầu ký hợp đồng đào tạo, trong đó có thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ khi đào tạo và sau đào tạo. Như vậy, người lao động và đơn vị, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận ký kết hợp đồng đào tạo nước ngoài trước khi đi nước ngoài để nâng cao trình độ, kỹ năng. Tuy nhiên, trên thực tế, tùy thuộc vào ý chí, mục đích của các chủ thể, hợp đồng đào tạo có thể được gọi với các tên gọi khác nhau như: Hợp đồng đào tạo nghề; hợp đồng liên kết đào tạo; hợp đồng đào tạo nghề tại doanh nghiệp; hợp đồng học việc; hợp đồng tập nghề.
Hợp đồng đào tạo nước ngoài là một dạng đặc biệt của hợp đồng lao động. Do đó nó có tính chất của hợp đồng lao động là sự tự do, tự nguyện, bình đẳng của các chủ thể trong quan hệ. Mặt khác, hợp đồng này cũng có những đặc điểm riêng so với những thỏa thuận trong hợp đồng thông thường, cụ thể là:
Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài là việc dạy và học nghề. Nếu như đối tượng của hợp đồng lao động là việc làm có trả công thì đối tượng của hợp đồng đào tạo nghề là công việc dạy và học kiến thức và kỹ năng một nghề nào đó.
Thứ hai, hợp đồng đào tạo nghề mang tính chất song vụ. Các bên tham gia trong quan hệ hợp đồng đào tạo nghề đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Người học nghề được đào tạo phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình nhưng cũng có nghĩa vụ phải cam kết làm việc cho doanh nghiệp sau khi được đào tạo trong một thời gian nhất định ghi trong hợp đồng đào tạo nghề.
Thứ ba, trách nhiệm của hai bên trong hợp đồng đào tạo nghề. Nếu hai bên đã cam kết vấn đề việc làm trong hợp đồng đào tạo nghề, bên nào không thực hiện sẽ phải bồi thường theo mức thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Quy định như vậy nhằm đảm bảo cho quan hệ cung cầu về việc làm được cân đối, xác định rõ những nghề cần đào tạo để tiết kiệm trong đào tạo và giúp người học nghề có thể kiếm sống bằng chính nghề mình đã được học.
Hợp đồng đào tạo nước ngoài giữa người lao động với người sử dụng lao động được ký kết nhằm ghi nhận các thông tin các bên, thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý giữa bên người sử dụng lao động và bên được đào tạo. Hợp đồng vừa là một trong những căn cứ giúp người lao động có thể sang nước ngoài đào tạo một cách hợp pháp, bảo đảm đầy đủ quyền lợi hợp pháp cho họ. Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có một văn bản mẫu về hợp đồng đào tạo nước ngoài trên mạng tương đối đa dạng, nhiều nguồn với nhiều mẫu và nội dung cũng có sự khác nhau. Do đó, khi tải mẫu hợp đồng đào tạo nước ngoài trên mạng cần phải tham khảo trước các quy định của pháp luật để nắm bắt được những điều khoản cần thiết phải có trong hợp đồng để bảo đảm hợp đồng có giá trị pháp lý cũng như hạn chế rủi ro xảy ra.
Lưu ý, hợp đồng đào tạo là một hợp đồng tách biệt với hợp đồng lao động. Do vậy, kể cả trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, nhưng vẫn vi phạm hợp đồng đào tạo thì người đó vẫn phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo.
Nội dung của hợp đồng đào tạo nghề thực chất là các điều khoản tạo thành quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quan hệ học nghề. Pháp luật lao động hiện hành không quy định riêng về hợp đồng đào tạo nước ngoài mà chỉ quy định chung về hợp đồng đào tạo nghề trong và ngoài nước. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật lao động 2019 quy định:
“ 2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
e) Trách nhiệm của người lao động
Trong đó, đối với thỏa thuận về chi phí đào tạo: Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Đặc biệt với trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài (Khoản 3 Điều 62 Bộ luật lao động năm 2019).
Như vậy, các nội dung trong hợp đồng đào tạo cần tuân thủ những quy định của pháp luật như đã nêu trên. Lưu ý, cần xác định cụ thể nghề đào tạo là gì, thời hạn đào tạo bao lâu, chi phí đào tạo do ai chi trả,…. Nếu trong trường hợp người lao động sau khi được đào tạo xong không làm việc tại doanh nghiệp thì người lao động phải hoàn trả lại bao nhiêu và theo phương thức nào. Việc thỏa thuận và quy định cụ thể trong hợp đồng sẽ bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong quá trình làm việc, để nâng cao trình độ, tay nghề, người sử dụng lao động có thể cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề bằng việc đào tạo ở nước ngoài. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 BLLĐ năm 2019 quy định cụ thể như sau: “1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.”
Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp cử người lao động đi đào tạo ở nước ngoài thì người lao động và người sử dụng lao động phải tiến hành ký kết hợp đồng đào tạo.
Theo khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng đào tạo nghề gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Nghề đào tạo;
- Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
- Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
- Trách nhiệm của người lao động.
Như vậy, có thể thấy, thời hạn cam kết làm việc sau đào tạo và trách nhiệm hoàn trả cho phí đào tạo là những nội dung bắt buộc của hợp đồng đào tạo nghề. Do đó, người sử dụng lao động khi cử người lao động đi đào tạo nghề hoàn toàn có quyền yêu cầu người lao động cam kết làm việc dài hạn sau khi được đào tạo. Nếu người lao động vi phạm cam kết về thời gian làm việc sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, BLLĐ năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có hướng dẫn thêm về điều kiện đối với thời gian người lao động cam kết làm việc trong hợp đồng đào tạo so với thời hạn hợp đồng đã giao kết. Do đó, có thể hiểu rằng quy định của BLLĐ hiện hành cho phép người sử dụng lao động và người lao động tự do thỏa thuận với nhau các vấn đề trong hợp đồng đào tạo, bao gồm cả thời gian mà người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo. Điều đó có nghĩa rằng công ty và người lao động có thể thỏa thuận với nhau về thời gian người lao động cam kết làm việc tại hợp đồng đào tạo nghề dài hơn thời hạn hợp đồng lao động đã ký.
Do hợp đồng đào tạo nghề là sự thỏa thuận của các bên nên nếu trong hợp đồng đã nêu rõ trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc trả lại chi phí sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Nếu có quy định về miễn trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo thì người lao động thuộc trường hợp đó sẽ không phải trả lại chi phí này.
Theo Bộ luật Lao động 2019, NLĐ khi ký hợp đồng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định. Người lao động chỉ phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: “Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Do đó, trong trường hợp này, người lao động cũng phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động. Bởi vậy, để tránh tranh chấp xảy ra sau này, các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề cần thỏa thuận rõ các điều kiện phải hoàn trả chi phí đào tạo và trường hợp được miễn trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.
Ngày nay, có rất nhiều loại hợp đồng mà người sử dụng lao động ký với người lao động, hợp đồng đào tạo nước ngoài là một trong số đó và được sử dụng tương đối phổ biến trong thời đại hội nhập như hiện tại. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để một bên đào tạo nghề nghiệp cho một bên khác. Người lao động muốn có tay nghề cao thì cần thông qua con đường học tập, tích lũy kiến thức về nghề nghiệp; Tuy nhiên, nếu bạn không phải là một người có kiến thức và hiểu biết sâu sắc về pháp luật thì khó thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về vấn đề này. Do đó, người lao động nên nhờ tới sự tư vấn của các luật sư để được tư vấn chi tiết về hợp đồng đào tạo nước ngoài, hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có. Hãng luật NPLaw tự tin với nhiều năm kinh nghiệm bảo đảm đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Mọi vấn đề thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được lời giải đáp kịp thời.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Hotline: 0913 449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn