Dịch vụ cho thuê phần mềm là một trong những loại dịch vụ được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và sử dụng hiện nay. Thông qua bài viết dưới đây, NPLaw sẽ cung cấp một số thông tin chi tiết liên quan đến dịch vụ cho thuê phần mềm đến quý độc giả.
Việc áp dụng phần mềm công nghệ vào một số nghiệp vụ đang ngày càng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp nhỏ và lớn. Nhiều doanh nghiệp áp dụng phần mềm trong công việc để tiết kiệm chi phí và dễ dàng quản lý tài chính. Sự gia tăng làm việc từ xa đã thúc đẩy nhu cầu đối với các ứng dụng cộng tác và quản lý dự án trực tuyến. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm lợi thế cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại và nhu cầu đổi mới quy trình cũng thúc đẩy việc sử dụng phần mềm công nghệ vào công việc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn nhân lực nội bộ chuyên trách đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và nhiều doanh nghiệp không có đủ khả năng kinh tế để có thể mua bản quyền nên nhu cầu về thuê và cho thuê phần mềm để doanh nghiệp có thể áp dụng vào quy trình vận hành và kinh doanh ngày một phổ biến hơn.Chính vì vậy, nhu cầu cho thuê phần mềm đang rất mạnh mẽ và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Qua nội dung dưới đây, NPLaw sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định pháp luật về dịch vụ cho thuê phần mềm nhé.
Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định về dịch vụ phần mềm như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.”
Ngoài ra, căn cứ theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg quy định mã ngành 6311 - 63110: Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan. Nhóm này gồm:
- Xử lý dữ liệu hoàn chỉnh cho khách hàng như: nhập tin, làm sạch dữ liệu, tổng hợp dữ liệu, tạo báo cáo, …. từ dữ liệu do khách hàng cung cấp.
- Hoạt động cung cấp và cho thuê hạ tầng thông tin như: cho thuê tên miền internet, cho thuê trang Web….
- Các hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan khác như: chia sẻ thời gian thực cho các thiết bị công nghệ thông tin (máy chủ, máy tính cá nhân, thiết bị di động,..) cho khách hàng.
Căn cứ quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020, kinh doanh dịch vụ cho thuê phần mềm không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng được quyền thành lập doanh nghiệp và kinh doanh dịch vụ cho thuê phần mềm.
Theo quy định pháp luật, mã ngành 6311 là mã ngành dịch vụ cho thuê phần mềm.
Tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định về dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.
Đối với dịch vụ cho thuê phần mềm sẽ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường là 20% theo Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC và chịu thuế giá trị gia tăng 10% theo Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC (hoạt động cho thuê phần mềm thuộc danh mục không được giảm thuế tại Phụ lục III Nghị định 15/2022/NĐ-CP (6311013 - Dịch vụ cung cấp các ứng dụng) nên vẫn áp dụng thuế giá trị gia tăng 10%.)
Dưới đây, NPLaw sẽ giải đáp một số thắc mắc liên quan đến cho thuê phần mềm.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm. Do đó, dịch vụ cho thuê phần mềm bao gồm hoạt động, dịch vụ trên.
Theo Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định thì thu nhập từ dịch vụ cho thuê phần mềm, cho thuê phần mềm không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, thu nhập từ việc cho thuê phần mềm sẽ chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.
Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, dịch vụ cho thuê phần mềm không kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì dịch vụ cho thuê phần mềm không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, dịch vụ cho thuê phần mềm sẽ chịu thuế giá trị gia tăng.
Hiện nay quy định pháp luật không có quy định bắt buộc cá nhân kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp. Do đó, cá nhân kinh doanh dịch vụ phần mềm không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp.
Ngoài ra, Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:
“Điều 79.Hộ kinh doanh
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”
Theo đó, hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê phần mềm sẽ không giới hạn số lượng lao động và không bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin về hoạt động công nghiệp phần mềm thì dịch vụ cho thuê phần mềm không phải hoạt động công nghiệp phần mềm.
Phần mềm là một sản phẩm trí tuệ có mức độ phức tạp cao, có thể mang lại giá trị thương mại rất cao cho chủ sở hữu. Để đảm bảo quyền lợi thì chủ sở hữu có thể đăng ký bản quyền phần mềm. Do đó, phần mềm đó sẽ được bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp cho các kỹ sư phần mềm, lập trình viên; ngăn chặn bên thứ 3 xâm phạm, vi phạm bản quyền phần mềm dưới mọi hình thức.
Mức xử phạt đối với hành vi sử dụng bản quyền đã đăng ký khi chưa được phép của chủ sở hữu khác nhau đối với mỗi đối tượng vi phạm:
- Đối với đối tượng là pháp nhân: có thể căn cứ vào khoản 4 Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 để xác định mức phạt.
- Đối với cá nhân: có thể xác định mức phạt theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Đồng thời, tại Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rõ: “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”. Tùy theo tính chất hành vi mà cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự căn cứ tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
NPLaw là một đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, chúng tôi cung cấp tới quý khách dịch vụ tư vấn pháp lý về cho thuê phần mềm bao gồm:
- Tư vấn các quy định mới nhất của pháp luật về cho thuê phần mềm
- Tư vấn soạn thảo nội dung hợp đồng đúng pháp luật, bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích của khách hàng khi giao kết hợp đồng cho thuê
Trên đây là nội dung giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng về dịch vụ cho thuê phần mềm. Mọi thắc mắc, vui lòng liên hệ với NPLaw để được hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn